VNPT đủ điều kiện để triển khai Mobile Money

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, VNPT sẽ là một trong hai doanh nghiệp viễn thông có thể tham gia triển khai dịch vụ Mobile Money, nếu được Chính phủ thông qua.

Sáng ngày 23/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức Hội thảo:“Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện”.

Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, phương án cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm Mobile Money được NHNN trình Thủ tướng hôm 4/4. Sau một tháng, Thủ tướng đã trả về, yêu cầu xin ý kiến các bộ và đang được Ngân hàng Nhà nước tiến hành.

Theo đó, đối tượng triển khai Mobile Money sẽ là các công ty viễn thông được NHNN cấp phép trung gian thanh toán. Nếu được Chính phủ thông qua, VNPT sẽ là một trong hai doanh nghiệp viễn thông có thể tham gia triển khai dịch vụ Mobile Money.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng cho biết, NHNN cũng đang quan tâm đến vấn đề hạn mức thanh toán. Hiện tại, giá trị giao dịch bình quân của mỗi ví Mobile Money trên thế giới là khoảng 206 USD/tháng. Do vậy, NHNN có ý định giới hạn trần thanh toán của các giao dịch là khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đây chỉ là con số bước đầu và sẽ được điều chỉnh tuỳ theo xu hướng của thị trường.

Khi Mobile Money được triển khai, SIM điện thoại hoặc chính chiếc điện thoại sẽ là phương thức để giao tiếp, trong khi số tiền trong ví người dùng sẽ được lưu ở hệ thống công nghệ thông tin của các nhà mạng viễn thông.

Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hoá đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động… và những dịch vụ tương tự.

Với dịch vụ này, người dùng có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động (tiền điện, tiền nước…), chuyển/nhận tiền, quản lý và lưu trữ tiền (người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể lưu tiền trên điện thoại thay vì phải để tiền dưới chiếu hay để tiền trong người).

Theo thống kê, hiện đã có 92 quốc gia trên thế giới đang triển khai dịch vụ tiền di động với gần 700 triệu tài khoản được đăng ký, lượng giao dịch trung bình một tỷ USD mỗi ngày. Mục tiêu chung của dịch vụ này là hoàn thiện hệ thống tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách về giới trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính chính thống trong khi vẫn bảo đảm các quy định về an toàn, bảo mật, phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố song song với bảo vệ người dùng.

Theo 1080 Lâm Đồng